Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tuyển 10 nhân viên trợ giúp Tòa án thực hiện chức năng của mình. Chúng tôi xin giới thiệu tự truyện của bốn nhân viên hiện đang làm việc tại Toà: thư ký, người phụ trách lễ nghi tại Toà, người thông báo quyết định của Tòa và nhân viên thông tin công chúng. Các nhân viên nàynói về vai trò của họ trong hoạt động của Tòa và những cảm nghĩ về nghề nghiệp của họ. Những nhân viên còn lại bao gồm trợ lý hành chính cho Chánh án, nhân viên thư viện, giám đốc về ngân sách và nhân sự, luật sư, người trông coi bảo tàng và người quản lý hệ thống dữ liệu.

William K. Suter
Thư ký

William K. Suter trở thành thư ký thứ 19 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1991. Trước đó, ông là một viên chức sự nghiệp và là luật sư trong Lục quân Hoa Kỳ; ông nghỉ hưu với hàmthiếu tướng. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Trinity tại San Antonio, bang Texas và Trường Luật thuộc Đại học Tulane tại New Orleans, bang Louisiana.

Khi tôi chuẩn bị kết thúc nghề luật sư của mình trong Lục quân và chuẩn bị rời quân ngũ, tôi được biết vị trí thư ký trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đang còn trống. Tôi nộp đơn và đã được tiếp nhận hai ngày sau cuộc phỏng vấn. Đó là thời gian 14 năm về trước và tất cả mọi ngày đều rất tuyệt vời đối với tôi kể từ khi tôi được chỉ định làm thư ký thứ 19 của Tòa.

Nhiệm vụ của thư ký về cơ bản là điều phối giữa luật sư, nguyên đơn, người dân và Tòa án.

Tất cả các tòa án trên thế giới mà tôi biết đều có một thư ký. Tại Canada, người này được gọi là nhân viên phụ trách hành chính. Tại Bra-xin, người này được gọi là tổng thư ký. Tại tất cả các nước châu Âu và châu Á, tất cả các tòa án đều có thư ký.

Tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, khi bạn đến để kiện, để kháng cáo hay kiến nghị, bạn sẽ không đến để gặp luật sư mà thay vào đó làgặp thư ký hoặc một người do họ chỉ định, những người này xử lý các công việc giấy tờ pháp lý. Tại Toà, chúng tôi có 32 người trong đó có những trợ lý luật sư, những người không phải là trợ lý luật sư và các luật sư, tất cả đều được đào tạo chuyên sâu. – Chúng tôi làm công việc thu thập tài liệu và bảo đảm rằng các vụ án đủ điều kiện để được Tòa xử và hồ sơ vụ án được lập một cách nhanh chóng.. Chúng tôi chuẩn bị các tài liệu để dựa vào đó các thẩm phán có thể đưa ra quyết định đối với các bên.

Đồng thời tôi cũng có những nhiệm vụ mang tính nghi lễ khác tại Tòa. Chẳng hạn như tôi sẽ tham dự tất cả các phiên tranh tụng tại Toà; Tôi ngồi bên đầu một hàng ghế còn đầu kia là nhân viên phụ trách nghi lễ của Tòa. Chúng tôi ngồi đó để trợ giúp cho các thẩm phán khi họ cần. Đồng thời, khi có kiến nghị gửi lên đề nghị Tòa chấp nhận một luật sư nào đó – để được làm bất cứ điều gì tại Toà, bạn phải là một thành viên trong đoàn luật sư của chúng tôi – Chánh án sẽ xem xét và chấp nhận kiến nghị, sau đó tôi sẽ giám sát lễ tuyên thệ của những thành viên mới của đoàn.

Tôi đã nghe hơn 1.000 cuộc tranh tụng kể từ khi làm việc tại đây và mặc dù các luật sư, những người đứng trước Tòa án Tối cao, đã nghiên cứu và tập luyện phần tranh tụng của mình hàng trăm giờ đồng hồ, nhưng họ vẫn rất run vì khi đứng trước chín thẩm phán rất tài ba, những người đã đọc hồ sơ rất kỹ càng và đã chuẩn bị hàng tá những câu hỏi.

Chúng tôi cố gắng giúp các luật sư để họ không mất bình tĩnh khi tranh tụng tại Tòa và tôi đã viết một cuốn sách nhỏ gợi ý cho các luật sư về những gì cần làm hoặc không nên làm. Trong bất cứ trường hợp nào thì phần tranh luận cũng hết sức quan trọng.

Tất cả các thẩm phán hiện tại của Tòa án Tối cao đều đang ở khóa thứ 11 và Tòa tiếp tục được điều hành bởi hai điều: truyền thống và kỷ luật công việc. Một ví dụ về truyền thống của Tòa là trang phục mặc buổi sáng, bao gồm áo đuôi tôm và quần kẻ sọc mà người phụ trách lễ nghi của Tòa và tôi mặc bất cứ khi nào chúng tôi hiện diện tại Toà và đó là trang phục mà tất cả các thư ký và người phụ trách lễ nghi trước chúng tôi đã mặc. Còn xét về kỷ luật công việc thì không bao giờ có sự phân biệt vụ kiện lớn hay vụ kiện nhỏ; tất cả các vụ kiện đều quan trọng và không ai có thể để cho những cảm xúc cá nhân chen vào công việc. Bạn chỉ thực hiện công việc của mình mà thôi.

Là một sinh viên luật trong nhiều năm, là một luật sư và là một người Mỹ và luôn luôn tôn trọng hệ thống pháp luật và Tòa án Tối cao nên chỉ việc bước vào tòa nhà này mỗi sáng thôi cũng đã làm cho tôi cảm thấy thật đáng giá. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều chia sẻ ý thức trách nhiệm là chúng tôi ở đây để làm việc vì Tòa án nhằm thực thi những nhiệm vụ được Hiến pháp quy định vì người dân của mình.

Pamela Talkin
Người phụ trách an ninh

Pamela Talkin là người phụ trách an ninh thứ 10 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này. Bà có bằng cử nhân và thạc sĩ bằng tiếng Tây Ban Nha của Trường Brooklyn thuộc Đại học Thành phố New York. Trước đó, bà là Phó Giám đốc điều hành của Văn phòng Hướng dẫn Tuân thủ Pháp luật Hoa Kỳ.

Tôi giám sát về an ninh, hoạt động và việc bảo trì tòa nhà của Tòa án Tối cao. Vai trò dễ thấy nhất của tôi là tham dự tất cả các phiên làm việc của Tòa để thực hiện nhiệm vụ của người mõ tòa khi Tòa làm việc từ tháng 10 đến tháng 6. Trước khi phiên tòa bắt đầu, tôi gõ búa giới thiệu chín vị thẩm phán – tôi là người duy nhất trong phòng xử án có búa trong tay – và khai mạc phiên tòa bằng những tiếng hô khai mạc chính thức, trong đó có “Oyez! Oyez! Oyez!”

Tôi là người phụ nữ đầu tiên và là người phụ trách an ninh thứ mười duy nhất tại Tòa.. Tất cả những người tiền nhiệm của tôi đều mặc lễ phục. Khi tôi nhận nhiệm vụ này, tôi cũng đã phải mặc trang phục tương tự mà những người đàn ông trước tôi vẫn luôn mặc để tham dự các phiên toà: bộ lễ phục buổi sáng với áo đuôi tôm, quần có sọc nhỏ và một chiếc áo vét.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi là bảo đảm an ninh cho Tòa. Tôi phụ trách lực lượng cảnh sát độc lập của Tòa. Lực lượng này bảo vệ tòa nhà và bảo đảm an ninh cho các thẩm phán, cho những nhân viên khác của Tòa và khách tham quan. Khoảng tám tuần sau khi tôi nhận nhiệm vụ tại đây, vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 đã xảy ra. Xét về mặt an toàn và an ninh của Toà, sự kiện đó đã thay đổi cách nhìn nhận của chúng tôi về vấn đề an ninh và việc tiếp cận những khu vực công cộng.

Một trong những nhiệm vụ khác của tôi là “hộ tống Toà”, có nghĩa là tôi phụ trách việc tháp tùng các thẩm phán tới Quốc hội để nghe Thông điệp Liên bang, tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống và các đám tang cấp nhà nước và tới các buổi lễ chính thức khác cũng như bảo đảm an ninh cho họ tại các sự kiện này. Ngoài ra, văn phòng của tôi cũng điều phối hoạt động của khoảng 1.000 buổi giảng bài, các cuộc tiếp tân, chiêu đãi và các hoạt động khác diễn ra hàng năm tại Tòa án Tối cao.

Do tầm quan trọng của Tòa trong khuôn khổ hiến pháp cũng như đối với đất nước , nên nếu để làm công việc thường nhật thì đây là một nơi tuyệt vời.. Tất cả những con người ở đây đều cực kỳ chuyên nghiệp, tự tin và tài trí. Mỗi ngày đều mang lại một điều mới. Tòa án và các thẩm phán đang làm những việc cao cả, như một phần trong truyền thống lâu dài của họ. Hàng ngày, khách du lịch đến thăm tòa nhà Tòa án Tối cao không chỉ vì nó có kiến trúc tuyệt đẹp mà nó còn là một biểu tượng đặc biệt cho vai trò triết học và chính trị của Tòa.

Một trong những điều làm tôi rất ngạc nhiên là mặc dù các thẩm phán và một số nhân viên làm việc ở đây có vai trò rất quan trọng song Tòa án Tối cao không vì thế mà là một thiết chế mang tính thứ bậc quá khắt khe. Tất cả chúng tôi đều tôn trọng thiết chế này và những vị trí mà mọi người nắm giữ và tất cả mọi người đều rất thân thiện và bình đẳng với nhau.

Frank Wagner
Người thông báo quyết định của Toà

Frank Wagner trở thành người thông báo quyết định thứ 15 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1987. Ông tốt nghiệp Đại học Cornell tại Ithaca, New York và Trường Luật Dickinson tại Carlisle, Pennsylvania. Trước đó, ông từng là luật sư và là người biên tập các văn bản pháp luật.

Nhiệm vụ chính của tôi là xuất bản tất cả những văn bản pháp lý Tòa án đưa ra thành một tập sách có tên là Các Báo cáo của nước Mỹ. Những tập sách này là ấn phẩm chính thức của Tòa.

Trước khi Tòa đưa ra một văn bản giải thích phán quyết, tôi và các nhân viên sẽ kiểm tra kỹ lưỡng độ chính xác của lời trích dẫn, các lỗi đánh máy và lỗi ngữ pháp. Chúng tôi cũng tóm tắt phân tích những văn bản này. Một luật sư và một trợ lý pháp lý trong văn phòng của tôi sẽ đọc dự thảo của tất cả các văn bản giải thích phán quyếttrước khi chúng được đưa ra.

Tôi là người phụ trách việc thông báo quyết định thứ 15 của Tòa án Tối cao kể từ năm 1789. Alexander Dallas là người đầu tiên và ông thực hiện nhiệm vụ này ngay từ những ngày đầu tiên khi Tòa bắt đầu làm việc năm 1789. Ông không phải là một nhân viên của Tòa mà chỉ là người ghi chép một cách cẩn thận những gì đã diễn ra tại Tòa và bán những ghi chép đó cho công chúng. Ngày nay, vị trí mà tôi đang nắm giữ là một trong năm vị trí được quy định trong luật.

Bất cứ luật sư nào đến Tòa án Tối cao để tranh tụng đều sử dụng các báo cáo của chúng tôi để nghiên cứu kỹ lưỡng về các quyết định của Tòa trong các vụ việc trước đó. Nhiều khi trong phần tranh tụng, các thẩm phán yêu cầu các luật sư phân biệt những lập luận của họ với những gì mà Tòa đã quyết định trong những vụ án khác. Sự khác nhau về vị trí của một dấu phẩy có thể thay đổi ý nghĩa pháp lý của một phán quyết. Nếu bạn tranh tụng trong một vụ án tại Tòa án Tối cao, bạn phải biết chính xác những gì mà Tòa đã nói. Các luật sư, thẩm phán và các Giáo sư Luật đều sử dụng các báo cáo của chúng tôi.

Vài năm trước, một khách tham quan nước ngoài đã hỏi tôi rằng Tòa làm cách nào để không cho báo chí và những người khác thông tin sai lạc về các quyết định của Tòa. Câu trả lời là chúng tôi chuẩn bị các báo cáo chính thức về các quyết định của Tòa và phát hành chúng càng nhanh càng tốt dưới dạng bản in hoặc trên Internet.

Theo thời gian việc vi tính hóa các hồ sơ của Toà, đã làm thay đổi cơ bản công việc của chúng tôi. Trước đây, người ta phải đợi ít nhất là ba hay bốn ngày để có được một bản sao từng văn bản giải thích phán quyết của Tòa. Ngày nay, chúng tôi dùng thiết bị điện tử để chụp các quyết định của Tòa và đưa chúng lên trang Web của chúng tôi trong vòng một vài giờ sau khi Tòa đưa ra và tất cả những người quan tâm tới vụ việc ở mọi nơi trên thế giới đều có thể đọc được những gì mà Tòa đã phán quyết.

Trước khi vào làm việc cho Tòa án Tối cao, tôi là người biên tập các văn bản pháp luật cho một nhà xuất bản và tôi đã biên tập rất nhiều sách về luật, trong đó có cả báo cáo của Tòa án phục vụ mục đích thương mại mà tôi làm ngày nay. Tôi đã học tiếng Anh tại trường đại học và sau đó vào học trường luật. Khi rời trường luật, tôi muốn có một việc làm cho phép tôi sử dụng cả tiếng Anh và kiến thức luật của tôi. Khi vị trí này để ngỏ, tôi đã nộp đơn và được tiếp nhận làm công việc mà tôi coi là nghề biên tập các văn bản pháp luật cao quý. Tôi đã làm việc được 18 năm và hy vọng tiếp tục công việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu.

Kathleen Landin Arberg
Nhân viên thông tin công chúng

Kathleen Landin Arberg trở thành nhân viên thông tin công chúng thứ năm của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ kể năm 1999. Bà tốt nghiệp Đại học Virginia, trước đó là thư ký phụ trách các kiến nghị tại Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực số 4, là trợ lý luật sư cho Tòa án Thuế quan Hoa Kỳ và từng là người phụ trách các vụ án tại Tòa án về Phá sản của Hoa Kỳ.

Tôi là nhân viên thông tin công chúng của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ và là người thứ năm giữ vị trí bắt đầu có từ năm 1935 này. Vị Chánh án của Tòa thời đó nhận thấy rằng các văn bản giải thích phán quyết của Tòa đã bị các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin sai lệch hoặc không đưa. Để giải quyết tình trạng này, Văn phòng Thông tin Công chúng đã được thành lập với tư cách là nguồn cung cấp thông tin về Tòa án và là đầu mối cho các phóng viên và công chúng.

Với tư cách một phát ngôn viên của Toà, nhiệm vụ chính của tôi là thông tin cho công chúng về lịch sử và chức năng của Tòa. Văn phòng của tôi là nơi phát hành các lệnh và văn bản giải thích của Tòa ngay khi các thẩm phán đưa ra trong phòng xử án và tạo điều kiện cho việc đưa tin một cách chính xác về các phiên tòa.

Bộ phận báo chí của Tòa án Tối cao gồm khoảng 35 phóng viênthuộc 18 hãng thông tấn khác nhau, là những người chỉ chuyên đưa tin về Tòa. Tuy nhiên, trong những vụ nổi tiếng, có thể có tới hơn 100 phóng viên đến đưa tin. Tòa sẽ cung cấp phòng làm việc cho các phóng viên. Các nhà báo đưa tin thường xuyên về Tòa cũng được dành chỗ để làm việc. Tòa cũng cung cấp những ca-bin thích hợp cho các phóng viên của các đài phát thanh và truyền hình sử dụng để đưa tin.

Vì không được sử dụng máy quay phim và máy ảnh trong phòng xử án nên các bản phác thảo của các họa sĩ được sử dụng để minh họa cho các phiên tranh tụng. Sau phần tranh tụng, các phóng viên và các nhóm quay phim sẽ tập hợp tại phòng đá hoa cương trước Tòa để phỏng vấn các luật sư liên quan đến vụ việc.

Cho đến khi văn bản giải thích phán quyết được các thẩm phán đưa ra vào lúc 10 giờ sáng, không ai có thể đoán trước được các quyết định này, vì vậy, người ta có thể sẽ phải hồi hộp chờ đợi. Điều này đặc biệt đúng khi khóa làm việc của Tòa sắp kết thúc, đó là lúc các vụ khó dự đoán hơn sẽ được tòa quyết định.

Văn phòng của tôi sắp xếp các văn bản giải thích phán quyết theo đúng trật tự mà chúng được thông báo tại phòng xử án. Chúng được thông báo theo thứ tự dựa trên thâm niên của các thẩm phán.

Chúng tôi nghe thông báo của Tòa qua các loa phóng thanh trong văn phòng của mình và phát những văn bản này ngay khi chúng được đọc tại phòng xử án. Vị thẩm phán viết văn bản giải thích phán quyết sẽ tóm tắt một số thông tin về vụ việc và quyết định của Tòa. Một số phóng viên ngồi tại văn phòng của chúng tôi để nghe xử án vì vậy họ có thể có ngay bản sao các văn bản giải thích phán quyết và bắt đầu viết bài. Những nhà báo khác lại nghe thông báo tại phòng xử án ở nơi dành riêng cho các nhà báo

Văn phòng Thông tin Công chúng không bao giờ bình luận hoặc tìm cách giải thích một văn bản nào đó, bởi vì những văn bản của Tòa đã tự giải thích rồi. Tuy nhiên, chúng tôi có thể hướng dẫn các nhà báo tìm nguồn thông tin hoặc liên lạc với những người có thể giúp họ ở bên ngoài Tòa như các luật sư tham gia vào vụ việc hoặc các chuyên gia về luật hiến pháp.

Ý kiến nêu trong bài viết này là của các tác giả.
Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_ej0405_ix.html