William H. Rehnquist
Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ
“…Tòa ánTối cao Hoa Kỳ với tư cách là tòa án hiến pháp… là đóng góp riêng, quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ đối với nghệ thuật quản lý nhà nước”.

Năm 1787, những người cha lập quốc của chúng ta đã soạn thảo hiến pháp phân chia quyền lực của chính phủ liên bang thành ba ngành – lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi ngành được trao một số quyền hạn nhất định. Song, Hiến pháp cũng đã thiết lập một thể chế nhằm thực thi các điều khoản của nó – Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Ý tưởng xây dựng một tòa án hiến pháp đã được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Âu, nhất là sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai và một số quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Nhưng vào năm 1787, tòa án đó chỉ duy nhất có tại Hoa Kỳ.

Hiến pháp của chúng ta được phê chuẩn năm 1789 và hai năm sau – năm 1791 – 10 điều bổ sung sửa đổi đầu tiên đã được thông qua. Những điều bổ sung sửa đổi này hay còn được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền đã đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và nhiều quyền khác, trong đó có quyền dành cho các bị cáo được xét xử thông qua một bồi thẩm đoàn trong các vụ án hình sự. Việc đảm bảo những quyền đó không phải chỉ duy nhất người Mỹ mới có. Trước năm 1791 rất lâu, nước Anh đã ban hành Magna Carta (Đại hiến chương nước Anh), Đơn thỉnh cầu về Quyền con người và Tuyên ngôn Nhân quyền. Và vào năm 1789, người Pháp đã thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Song tư tưởng cho rằng những quyền này phải được thực hiện thông qua các thẩm phán độc lập với ngành hành pháp lại chưa xuất hiện trong bất cứ hệ thống chính phủ nào khác tính đến thời điểm đó trong lịch sử.

Tôi tin rằng việc thiết lập Tòa án Tối cao Hoa Kỳ với tư cách là một tòa án hiến pháp có quyền thực thi các điều khoản quy định trong Hiến pháp – trong đó có các biện pháp đảm bảo quyền tự do cá nhân – lại là đóng góp riêng, quan trọng nhất của Hoa Kỳ đối với nghệ thuật quản lý nhà nước.

Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4/2005

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_ej0405_i.html